Nghi lễ trưởng thành là một hiện tượng văn hóa đã tồn tại từ rất lâu trong lịch sử loài người.
Có nhiều tiêu chí để đánh giá một cậu thanh niên trẻ đã trở thành một người đàn ông trưởng thành hay chưa. Đối với một số cộng đồng, sự trưởng thành đồng nghĩa với việc vượt qua thử thách. Họ đặt ra những thử thách khó khăn, nếu cậu thanh niên có thể vượt qua được, ngay lập tức sẽ được cộng đồng coi là đàn ông trưởng thành.
Khi nghiên cứu nền văn hóa của các bộ lạc, người ta nhận thấy nghi lễ trưởng thành nhiều khi không chỉ đơn thuần là một sự việc trọng đại đáng vui mừng mà còn đi kèm với những trải nghiệm đáng sợ.
Xóa bỏ ký ức tuổi thơ (Canada)
Bộ lạc Algonquin ở Canada coi ký ức tuổi thơ là một vật cản trong quá trình trở thành một người đàn ông thực sự. Vì vậy, đối với những cậu bé đã đến tuổi trưởng thành, các em sẽ phải trải qua một nghi lễ giúp xóa bỏ ký ức tuổi thơ.
Trong khoảng 14-21 ngày, các cậu bé sẽ ở trong những buồng cách ly, chỉ ăn một loại thảo mộc đặc biệt có khả năng gây ảo giác, làm mất trí nhớ, cùng nhiều tác dụng phụ đáng sợ khác. Sau quãng thời gian này, các cậu bé sẽ trải qua một bài kiểm tra.
Nếu các em được xác định đã hoàn toàn quên ký ức tuổi thơ, điều đó coi như các em đã vượt qua thử thách và trở thành người đàn ông thực thụ. Nếu em nào cho thấy vẫn chưa hoàn toàn quên quá khứ, các em sẽ phải trải qua nghi lễ này một lần nữa.
Nhảy qua lưng bò tót (Ethiopia)
Mỗi cậu bé trong bộ lạc Harmar ở Ethiopia, khi đến lứa tuổi trưởng thành đều được yêu cầu phải nhảy qua lưng 4 con bò đực to lớn. Việc có muốn trải qua nghi lễ này hay không hoàn toàn do cậu bé tự lựa chọn, và cậu ta có thể trì hoãn đến bất cứ khi nào cảm thấy mình đã sẵn sàng.
Nếu một người đàn ông Harmar không bao giờ muốn trải qua nghi lễ này cũng không sao, nhưng anh ta sẽ bị cộng đồng khinh rẻ, đồng thời, cũng không được phép lấy vợ.
Đi săn sư tử (Kenya & Bắc Tanzania)
Trước kia, ở bộ lạc Maasai, những cậu bé khi đến tuổi trưởng thành sẽ cùng nhau họp thành một nhóm để đi săn sư tử. Đi săn sư tử là một thử thách nguy hiểm khôn lường. Đối với những người đàn ông Maasai, đi săn chính là hoạt động thể hiện rõ nhất những đức tính tốt đẹp, những khả năng tiềm ẩn bên trong một người đàn ông trưởng thành.
“Chạm khắc” cho da (Papua New Guinea)
Bộ lạc Sepik coi cá sấu là một sinh vật thần thánh. Vì vậy, nam giới đến tuổi trưởng thành phải “chạm khắc” da mình sao cho gần giống với bộ da cá sấu.
Những người lớn tuổi trong bộ lạc sẽ sử dụng dao, rạch lên da của những thanh niên trẻ, chà xát tro lên đó, khi da liền lại sẽ tạo thành những vết sẹo lồi theo hình họa tiết đã được “chạm khắc”.
Chịu đựng đau đớn thể xác (Brazil)
Nghi lễ trưởng thành của bộ lạc Matis bao gồm 3 bước “kinh dị”. Bước 1, chất độc sẽ được nhỏ vào mắt với niềm tin giúp nâng cao thị lực và độ nhạy cảm của các giác quan. Bước 2, người thanh niên sẽ bị những người đàn ông trưởng thành trong bộ lạc xông vào đánh đập. Bước 3, anh ta sẽ uống một loại chất độc lấy từ một loài ếch rừng gây ra triệu chứng mê sảng.
Sau khi trải qua những quá trình hành xác này, người thanh niên được cho là đã có đủ sức chịu đựng về thể chất và tinh thần để có thể làm một người đàn ông thực thụ, đảm đương nhiều trọng trách trong cộng đồng và gia đình.
Nhảy “đâm đầu” xuống đất (Vanuatu)
Quốc đảo nằm ở Nam Thái Bình Dương là một điểm đến thu hút khách du lịch, tại đây, nghi lễ trưởng thành của đàn ông Vanuatu được coi là một sự kiện văn hóa rất hấp dẫn. Tại buổi lễ này, những người thanh niên sắp trưởng thành sẽ phải trèo lên một cái tháp dựng bằng thân cây, cao khoảng 30m, buộc dây vào cổ chân và nhảy xuống.
Cái dây được thiết kế để khi người đàn ông nhảy xuống, khoảng cách giữa anh ta và mặt đất không quá lớn, tạo cảm giác sợ đến “vỡ tim” cho cả người nhảy lẫn người xem. Bên cạnh đó, cũng không có bất kỳ biện pháp an toàn nào được tiến hành để đề phòng tai nạn xảy ra.
Cắt bao quy đầu (Philippines & Thổ Nhĩ Kỳ)
Ở hai quốc gia Philippines và Thổ Nhĩ Kỳ, nghi lễ cắt bao quy đầu cho trẻ vị thành niên là một việc rất quan trọng. Một điều tra xã hội được tiến hành năm 2011 cho thấy 93% nam giới Philippines đã trải qua nghi lễ này.
Các cậu bé thường trải qua nghi lễ đau đớn này ở tuổi 12. Đối với các cậu bé, việc không thực hiện nghi lễ còn đáng sợ hơn những đau đớn mà các em phải chịu, bởi khi đến trường, các cậu bé chưa trải qua nghi lễ thường bị các cậu bạn khác trêu chọc, bắt nạt.
Nguồn: dantri.com